Hỗ trợ trực tuyến
Hotline:
  • 0949319999
  • 04.22 46 33 77
Thông tin hữu ích
Đối tác - khách hàng

'Vết nứt tại thủy điện Sơn La do thời tiết'

Sáng 12/2, ông Nguyễn Kim Tới, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Sông Đà, nhà thầu đập Thủy điện Sơn La, cho biết, đơn vị tư vấn xác định thời tiết ảnh hưởng tới khối bê tông, gây nứt trên bề mặt đập thủy điện.

Theo nhà thầu, đoạn nứt dài nhất là 30 m, sâu nhất khoảng 6 đến 8 m, trên bề mặt khối bê tông rộng trên 100 m. Vết nứt từ bề mặt sâu vào trong nên nguyên nhân do địa chất bị loại trừ.

"Khối bê tông lớn được đổ trong thời tiết nóng nên chênh lệch nhiệt độ giữa bên ngoài và bên trong, gây nứt bề mặt. Nếu nhìn toàn diện, vết nứt này nhỏ trên toàn khối bê tông", ông Tới nói.

ảnh

Công trường thủy điện Sơn La. Ảnh: baovietnam.

Đây là lần đầu tiên nước ta áp dụng công nghệ bê tông đầm lăn để xây dựng đập thủy điện. Vị lãnh đạo Tổng công ty Sông Đà cam kết đã thi công đúng theo thiết kế. Do vậy, khâu thiết kế phải được rà soát, đánh giá lại.

Ông Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Ban quản lý dự án Thủy điện Sơn La - đại diện chủ đầu tư, cũng cho biết, vết nứt có thể do thời tiết chứ không phải vì chất lượng bê tông. Đây là hiện tượng thường thấy ở các đập bê tông lớn trên thế giới. Tuy nhiên, đơn vị thi công vẫn phải quan tâm, phân tích để có biện pháp xử lý đúng đắn.

"Vết nứt tại đập không tràn bờ vẫn đạt chỉ số an toàn, không ảnh hưởng lớn đến độ an toàn của đập thủy điện. Hiện nhà thầu đã đặt thép để khắc phục vết nứt, hạn chế lan rộng", ông Hà khẳng định.

Theo báo cáo của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, tại công trình Thủy điện Sơn La đã xuất hiện nứt tại các khối C2, C3, L1, C4, C5 Đập không tràn bờ trái và bê tông thường tại khối 26 Đập không tràn bờ phải. Các chuyên gia của Hội đồng đang phối hợp với chủ đầu tư và các bên đánh giá nguyên nhân cũng như biện pháp khắc phục.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang, vấn đề quan trọng hiện nay là đưa ra giải pháp ngăn chặn các vết nứt tiếp theo. Nguyên nhân ban đầu của các vết nứt có thể do chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong và bên ngoài bêtông. Nhưng để đánh giá vẫn phải có kết luận cuối cùng từ đơn vị tư vấn nước ngoài về nguy cơ của vết nứt.

 

Để có đủ cơ sở kết luận nguyên nhân gây nứt và đề xuất các biện pháp ngăn ngừa nứt cho các khối đổ tiếp theo cũng như biện pháp xử lý, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo tư vấn thiết kế tính toán kiểm tra dựa trên các số liệu khảo sát đầy đủ về các thông số môi trường (nhiệt độ không khí, độ ẩm tương đối, bức xạ nhiệt...), hồ sơ hoàn công các lớp đổ (thời gian thi công mỗi lớp, nhiệt độ vữa...), thí nghiệm về co ngót bê tông... Ngoài ra, cần phải tính toán kiểm tra độ ổn định và độ bền của đập trong điều kiện vẫn tồn tại các vết nứt.

Đoàn Loan